Đấu thầu qua mạng về cơ bản hay hơn đấu thầu truyền thống
​Tham dự một buổi mở thầu qua mạng do Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội làm chủ đầu tư, phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Xuân Thành - Phó giám đốc Ban quản lý dự án giao thông số 1 thuộc Sở GTVT Hà Nội về những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện quy trình đấu thầu qua mạng (ĐTQM).
 
 dau-thau-qua-mang.jpg
 
 
Phóng viên (PV): Đại diện cho một trong những đơn vị tích cực tham gia thí điểm tổ chức ĐTQM, ông có thể cho biết điểm khác biệt lớn nhất giữa quy trình thực hiện ĐTQM so với đấu thầu truyền thống?
 
Ông Đỗ Xuân Thành: Cho đến nay, đơn vị chúng tôi mới chỉ tham gia và mở thành công 3 gói thầu qua mạng. Quy trình thực hiện ĐTQM từ lúc bắt đầu chuẩn bị đến đóng - mở thầu về cơ bản vẫn thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định 85/2009/NĐ-CP. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của ĐTQM là các bước chủ yếu được thực hiện trên mạng internet, từ đăng tải thông báo mời thầu, kế hoạch đấu thầu, cho đến thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu… Về phía nhà thầu, chỉ cần đăng ký chứng thư số, sau đó từ mua hồ sơ mời thầu (HSMT) và gửi hồ sơ dự thầu (HSDT) cũng như tham gia lễ mở thầu… tất cả đều được tiến hành qua mạng.
 
PV: Ông có thể cho biết những ưu điểm của ĐTQM so với hình thức đấu thầu truyền thống?
 
Ông Đỗ Xuân Thành: Nếu triển khai thành công ĐTQM, lợi ích trước tiên là sẽ đảm bảo được tính công khai, minh bạch của công tác đấu thầu. Nếu thời gian tới, khi thực hiện chính thức ĐTQM thì suốt quá trình đấu thầu từ lúc phát hành HSMT đến thông báo kết quả đấu thầu, bên mời thầu và nhà thầu - hai bên không cần gặp nhau và nhà thầu không mất thời gian đi lại.
 
Thứ hai là rất tiện lợi. Tất cả bên mời thầu, bên dự thầu chỉ cần ngồi ở trụ sở cơ quan và làm việc trên mạng. Sau khi HSMT được đưa lên mạng, trong suốt quá trình chuẩn bị đấu thầu, nhà thầu có thể gửi HSDT lên mạng bất cứ lúc nào, 9h tối hay 1h sáng đều được, miễn là trước giờ đóng thầu, chứ không phải như trước đây phải “nhăm nhăm” đi nộp HSDT trong giờ hành chính trước khi đóng thầu.
 
Thứ nữa, tiến hành ĐTQM cũng tránh được những tình huống tranh cãi, tranh luận không cần thiết, mất thời gian. Đơn cử một số trường hợp thường xảy ra trong đấu thầu truyền thống như thời gian mở thầu là 9h30, nếu ở ngay khu vực Hà Nội và đi lúc đường thoáng thì chỉ mất 15 phút, nhưng nếu gặp cảnh tắc đường thì sẽ bị muộn và thế là mọi công sức nhà thầu chuẩn bị đều “đổ xuống sông xuống biển”. Đấy là chưa kể trường hợp nhà thầu ở vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn.
 
Một tình huống khác, khi nhà thầu nộp HSDT chậm so với thời hạn đóng thầu là 1 - 2 phút thì có thể chấp nhận được, nhưng nếu chậm 5 - 10 phút thì khó tránh khỏi tranh cãi, thậm chí phải gọi qua bưu điện để xác minh. Trong khi đó nếu thực hiện ĐTQM thì lấy thời gian trên Hệ thống ĐTQM làm chuẩn. Mặt khác, nếu quy định thời điểm mở thầu là 8h30 thì phải đúng giờ mới mở thầu được, muốn mở trước hay sau cũng không được. Khi mở thầu, các thông tin tự động hiện ra rất tiện lợi và tránh được tranh cãi không cần thiết, mất thời gian và phiền phức cho các bên tham gia.
 
PV: ĐTQM là xu thế tất yếu trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay. Vậy theo ông, để tham gia ĐTQM, các bên liên quan cần phải chuẩn bị  gì?
 
Ông Đỗ Xuân Thành: Tựu chung lại, ĐTQM là hay hơn đấu thầu truyền thống về mọi mặt. Để ĐTQM đi vào hoạt động thuận lợi, đầu tiên vẫn là vấn đề con người, những người vận hành và sử dụng hệ thống đó. Để thực hiện ĐTQM, các cán bộ thực hiện công tác này phải tham gia các lớp tập huấn về ĐTQM. Hiện nay, Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rất tích cực mở các khóa đào tạo, thậm chí xuống tận cơ sở để đào tạo cho các đơn vị có nhu cầu về đào tạo và tập huấn ĐTQM. Đối với Sở GTVT Hà Nội, đơn vị chúng tôi đã chủ động đứng ra tổ chức khóa tập huấn tại đơn vị mình và mời các chuyên gia đào tạo, trong đó có chuyên gia của Cục Quản lý đấu thầu. Đối với các nhà thầu, cũng nên tham dự các lớp tập huấn này để tìm hiểu, cũng như học hỏi kinh nghiệm. Nếu được tập huấn kỹ thì sẽ tránh được những sai sót trong quá trình thực hiện.
 
Quan trọng nhất vẫn là các nhà thầu, các đơn vị mới thành lập có thể sẽ lúng túng khi tham gia ĐTQM nếu không được chuẩn bị kỹ càng. Nhưng nếu quyết tâm thì chắc chắn nhà thầu sẽ tìm hiểu và nghiên cứu rất nhanh. Việc triển khai ĐTQM có thành công tốt đẹp hay không là phụ thuộc một phần lớn vào các nhà thầu. Càng đông nhà thầu tham gia thì tỷ lệ thành công của triển khai ĐTQM càng cao. Bên cạnh việc tổ chức tập huấn tập trung, theo tôi, cần tăng cường hướng dẫn trên báo chí, hay phát hành sách, cuốn sổ tay hướng dẫn…
 
Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần đưa ra lộ trình thực hiện trước khi triển khai rộng rãi ĐTQM như hết thời gian thí điểm thì quy định thời gian bao lâu để bên mời thầu có quyền lựa chọn mở thầu theo hình thức nào và cần có thời gian chuẩn cơ sở hạ tầng. Đối với những nhà thầu nhỏ, mới thành lập đầu tư cơ sở hạ tầng máy tính và mạng internet vẫn cần thêm thời gian để chuẩn bị.
 
Để Hệ thống ĐTQM quốc gia hoạt động thông suốt và tăng cường chất lượng đường truyền mạng, theo tôi, trong thời gian tới, Hệ thống cần tăng thêm dung lượng đường truyền để có thể đáp ứng được tất cả các gói thầu lớn nhỏ với những tập bản vẽ, bản scan ảnh có dung lượng lớn, phức tạp.
Các tin khác
 

 Liên kết website